Bạn đã nghe đến thuật ngữ “tìm kiếm hướng đối tượng” chưa? Đó là những công cụ chuyên dụng cho từng mục đích tìm kiếm cụ thể, đôi khi còn hữu ích hơn cả Google. Dưới đây là 10 trong số đó.
Mạng xã hội ảo “mini” Twitter ngày càng phổ biến. Với số người dùng rất đông đảo, thông tin do người sử dụng đưa lên Twitter rất đa dạng và hữu ích. Topsy cho phép tìm kiếm những thông tin được mọi người chia sẻ trên mạng xã hội Twitter. Kểt quả tìm kiếm trên Topsy được sắp xếp dựa trên mức độ phù hợp với thông tin mà bạn tìm và những nhận xét về những thông tin đó. Từ đó bạn sẽ tìm được những thông tin phù hợp nhất với mình.
Tương tự như Topsy, CrowdEye cho phép bạn tìm kiếm những thông tin do người sử dụng cung cấp trên Twitter. Kết quả tìm kiếm là một biểu đồ thể hiện mức độ phổ biến của từ khóa tìm kiếm, các đường link và qua các tag. Điều này nghe có vẻ như sẽ có một lượng thông tin khổng lồ đang chờ đón bạn khám phá. Nhưng cách trình bày trên CrowdEye rất dễ dàng để bạn có thể truy cập và chọn ra thứ bạn cần.
Không chỉ tìm kiếm thông tin thông trên Twitter như 2 công cụ tìm kiếm trên, Collecta còn cho phép tìm kiếm nội dung trên Flickr, các comment trên các blog, Twitter, Jaiku (mạng xã hội ảo tương tự Twitter) và các bài viết trên các blog cá nhân. Do Twitter ngày càng phát triển, kết quả tìm kiếm thu được từ Twitter thường “áp đảo” so với các mạng xã hội khác.
Tương tự như Collecta, Scoopler tìm kiếm thông tin từ Twitter cùng với các nguồn khác như Youtube, Flickr… để cung cấp cho bạn các bài viết, hình ảnh và video mới nhất.
IceRocket cho phép người sử dụng tìm kiếm các kết quả trên Twitter và MySpace, 2 trong số các mạng xã hội ảo lớn nhất hiện nay. Chức năng tìm kiếm web, tin tức, ảnh… cũng được cung cấp ở đây.
OneRiot phân tích các đường link mà mọi người chia sẻ trên các mạng xã hội như Digg và Twitter. Sau đó, OneRiot đánh dấu các nội dung liên quan đến thông tin bạn cần. Kết quả tìm kiếm là các thông tin mới nhất thu thập từ các mạng xã hội và sát với nội dung tìm kiếm của bạn nhất. Ngoài chức năng tìm kiếm website, OneRite còn cho phép người dùng tìm kiếm theo nội dung video.
Trackle không giống hầu hết các trang web tìm kiếm. Nó có nhiều chuyên mục tìm kiếm cài sẵn để bạn lựa chọn như: du lịch, chuyện về các ngôi sao, chứng khoán, phân loại các quảng cáo, y tế, tội phạm… Khi một thể loại được chọn, bạn có thể nhập ba từ khóa để tìm kiếm. Nếu tìm kiếm vẫn chưa cho được kết quả ưng ý, bạn sẽ được Trackle thông báo bằng tin nhắn SMS, email ngay khi có những thông tin mới từ Internet phù hợp.
Cách thức hoạt động của iBoogie tương tự như các công cụ tìm kiếm khác. Nó tìm kiếm nhiều trang web thu thập một số lượng lớn kết quả phù hợp với từ khóa bạn nhập vào. Điểm khác biệt của iBoogie là nó phân loại các kết quả theo từng chủ đề riêng biệt. Bằng cách chia kết quả như thế này, iBoogie giúp bạn thu hẹp khoảng cách giữa kết quả và nhu cầu tìm kiếm.
MetaCrawler sử dụng “công nghệ siêu tìm kiếm”, để lấy kết quả từ các trang web của các công cụ tìm kiếm khác. Nhờ truy vấn nhiều công cụ tìm kiếm cùng lúc, bạn sẽ nhận được kết quả lớn hơn nhiều so với công cụ tìm kiếm thông thường.
Khi sử dụng GoodSearch, bạn sẽ có cảm giác mình trở thành người tốt bụng hơn (!). Khi bạn tiến hành tìm kiếm trên GoodSearch, số tiền thu được từ các dịch vụ quảng cáo sẽ được trích 1 nửa cho trường học và các tổ chức từ thiện mà bạn chọn. Trước khi tiến hành tìm kiếm, bạn có thể điền tên của các tổ chức từ thiện mà mình biết vào khung “WHO DO YOU GOODSEARCH FOR?”. Mặc dù kết quả tìm kiếm của GoodSearch được lấy từ Yahoo, nhưng cách thức hoạt động của GoodSearch cũng đáng để chúng ta xem qua.